Chỗ đứng của Việt Nam – Thái Lan trong lòng khách quốc tế
Thái Lan gây ấn tượng với du khách bằng nụ cười và dịch vụ chuyên nghiệp còn Việt Nam để lại tình cảm bởi những hành động mộc mạc, chân thành của người địa phương.
Việt Nam và Thái Lan là hai điểm đến hàng đầu Đông Nam Á, thường được khách nước ngoài đặt lên bàn cân khi nói về trải nghiệm du lịch. Năm 2024, Thái Lan đón 35,6 triệu khách quốc tế, gấp hai lần con số 17,6 triệu của Việt Nam. Nhiều du khách quốc tế chia sẻ Thái Lan làm du lịch tốt hơn nhưng Việt Nam đã chiếm trọn trái tim họ bằng sự chân thành và ấm áp.
Alejandro Campbell, du khách Anh, nhận nhiều sự quan tâm khi đăng tải video so sánh du lịch hai quốc gia này hồi cuối tháng 4. Anh cho biết du lịch là trụ cột kinh tế của Thái Lan và mọi dịch vụ du lịch ở đây được thiết kế để thuận tiện nhất cho du khách. Cách tiếp thị điểm đến của Thái Lan cũng gây ấn tượng với khách nước ngoài bằng hình ảnh “xứ sở nụ cười”.
Với 60 tỷ USD doanh thu du lịch năm 2019, theo World Bank, Thái Lan xây dựng hệ thống phục vụ khách nước ngoài bài bản, từ hướng dẫn viên nói tiếng Anh đến các tour được tổ chức kỹ lưỡng.
Đây cũng là điều du khách Hà Lan Nathalie Linden nhận thấy sau khi du lịch cả hai quốc gia. Theo bà, Thái Lan đã phát triển du lịch từ sớm và biết cách định vị hình ảnh bằng những slogan ấn tượng như “Amazing Thailand”. Tại đây, du khách quốc tế dễ dàng tìm thấy nơi mình thuộc về, điển hình là Phuket – một tụ điểm giải trí, du lịch, được định vị dành cho người nước ngoài.
Tuy nhiên, Việt Nam lại in dấu trong bà bằng sự chân thành, mộc mạc của những người địa phương. Trong chuyến đi Đồng bằng sông Cửu Long, bà lạc gia đình vì ứng dụng bản đồ không hoạt động. Một người phụ nữ địa phương thấy vẻ lúng túng của du khách Hà Lan nên gọi chồng mình đến giúp. Người đàn ông đã chở bà quay lại khách sạn, chỉ vẫy tay cười rồi rời đi, không đòi hỏi bất kỳ điều gì.

Chủ hàng ăn vỉa hè ở Châu Đốc (giữa) chụp ảnh cùng chồng và con của Nathalie. Ảnh: NVCC
“Tôi còn chẳng kịp nói lời cảm ơn”, Nathalie nói. Hay khi chồng Nathalie bị lạc khi leo đỉnh Fansipan, nhân viên khách sạn đã làm mọi cách để hỗ trợ và động viên tinh thần bà. Khi du khách quên lấy tiền thừa, người bán hàng cũng chạy theo để trả lại. Sự chân thành đó để lại ấn tượng tốt đẹp về người Việt Nam trong tim Nathalie.
Du khách Hà Lan không phải người duy nhất nhận xét như vậy về con người Việt Nam. Dù nhận xét Thái Lan làm tốt hơn trong phát triển du lịch, Alejandro lại nhớ về Việt Nam với ký ức ở Đà Lạt khi một chủ quán cà phê đã gọi anh lại bắt chuyện. Anh ta không chào mời mua hàng, đơn giản chỉ muốn được nói chuyện với một du khách nước ngoài để trau dồi tiếng Anh. Cuộc nói chuyện với người lạ khoảng 30 phút không khiến Alejandro cảm thấy chút áp lực, lo lắng nào.
Alejandro cho biết cả hai quốc gia đều thể hiện sự hiếu khách với khách quốc tế nhưng cách thể hiện đôi chút khác biệt. Trong khi Thái Lan dường như làm điều đó “một cách công thức”, anh cảm nhận được sự chân thành từ người Việt Nam.
Grant Wilson, người Australia, từng có nhiều năm sống ở Thái Lan và Việt Nam, cũng chia sẻ cảm giác gần gũi tương tự. Theo du khách Australia, điều này có thể do Thái Lan đã tiếp đón quá nhiều khách du lịch. Trong khi đó, người Việt thực sự trân trọng những gì khách du lịch mang lại cho địa phương, đặc biệt ở những nơi như Ninh Bình, Hội An. Grant tiết lộ ông luôn ưu tiên homestay khi du lịch Việt Nam vì thường được gia chủ mời dùng cơm với gia đình.
Việt Nam cũng mang đến cảm giác gần gũi, ít thương mại hóa. Alejandro nhớ những lần ngồi ghế nhựa ở TP HCM, xung quanh người dân ăn phở, uống trà đá, trò chuyện. Hay khi chạy xe qua những ngôi làng nhỏ gần Đà Lạt, người dân vẫy tay với anh như thể họ chẳng mấy khi nhìn thấy người nước ngoài. Khoảnh khắc đó khiến anh cảm thấy thực sự hòa mình vào đời sống của người bản địa.

Nathalie say mê những chuyến xe máy ở Sa Pa, nơi những thửa ruộng bậc thang và văn hóa bản địa hiện lên sống động. Đồng bằng sông Cửu Long với chợ nổi, địa đạo Củ Chi với lịch sử chiến tranh và kiến trúc Pháp ở Hà Nội để lại trong bà những ấn tượng sâu sắc về văn hóa Việt Nam.
Trong khi đó, Thái Lan đem đến thiên đường giải trí sôi động và đa dạng. Chợ đêm, tiệc Trăng rằm, lễ hội té nước ở Bangkok, Phuket hay Chiang Mai phục vụ mọi nhu cầu vui chơi du khách.
“Thái Lan như khu nghỉ dưỡng, tiện nghi còn Việt Nam là cuộc sống thực tràn đầy năng lượng”, anh nói.
Tuy để lại ấn tượng sâu sắc bằng sự chân thành, trải nghiệm du lịch Việt Nam của các du khách quốc tế cũng gặp nhiều bất tiện. Ô nhiễm là vấn đề lớn khi Grant thấy nhiều du khách nước ngoài phàn nàn về rác thải nhựa. Trong khi đó, Nathalie thừa nhận đã sốc trước cảnh ô nhiễm nước ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Giao thông ở Việt Nam cũng “tụt hậu” so với Thái Lan, theo Grant. Ông nói lựa chọn giao thông công cộng ít và hạ tầng chưa đồng bộ, dẫn đến kẹt xe là điểm trừ trong mắt khách quốc tế.
TomTom Traffic Index 2024 chỉ ra Hà Nội nằm trong top 20 thành phố kẹt xe nhất thế giới, trong khi Thái Lan, với BTS Skytrain ở Bangkok phục vụ 1,5 triệu lượt khách mỗi ngày, quản lý giao thông tốt hơn.
Thủ tục visa cũng là vấn đề lớn nếu Việt Nam muốn cạnh tranh với Thái Lan trong cuộc đua hút khách quốc tế. Mark Bowyer, nhà điều hành công ty du lịch Rusty Compass, chỉ ra Thái Lan miễn visa 30 ngày cho 60 quốc gia, giúp thu hút 900.000 khách Australia năm 2023, so với 400.000 lượt đến Việt Nam.
“Visa phức tạp khiến Việt Nam mất khách du lịch tự phát, phút chót”, anh nói. Điều này cũng làm giảm vai trò trung tâm hàng không của Việt Nam – yếu tố đóng góp lớn vào nền kinh tế du lịch Thái Lan hay Singapore. Ngoài ra, anh cũng nhận xét Việt Nam chưa kiểm soát tốt việc xây dựng công trình cao tầng dọc bờ biển, ảnh hưởng cảnh quan điểm đến.
Giống Thái Lan, một số điểm đến nổi tiếng ở Việt Nam cũng đang trở nên quá tải. Grant nhận thấy rõ sự bất tiện khi du lịch Hội An đầu năm nay vì có quá nhiều đoàn khách, giá cả dịch vụ cao hơn đáng kể. “Bẫy du lịch” cũng xảy ra ở cả hai quốc gia khi khách nước ngoài lần đầu tới có thể bị lừa vì các cơ sở dịch vụ không niêm yết giá, hét giá.

Ngoài ra, du khách Australia nhận thấy các hoạt động du lịch đêm ở Việt Nam cho khách nước ngoài còn ít nếu so với Thái Lan. Hoạt động giải trí thường diễn ra trong các quán bar, chủ yếu phục vụ người bản địa.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang cố gắng thay đổi từng ngày để thu hút thêm nhiều du khách quốc tế. Grant cho biết Đà Nẵng hiểu giá trị của những đồng USD khách nước ngoài đem đến và đang dần chuyển mình với các hoạt động giải trí quốc tế như lễ hội pháo hoa. Nathalie cũng nhận thấy một số khách sạn ở Việt Nam đã triển khai các chương trình giảm thiểu rác thải nhựa. Cách Việt Nam bảo tồn văn hóa, cảnh quan thiên nhiên ở Hội An, Ninh Bình hứa hẹn thu hút nhiều du khách muốn trải nghiệm sâu.
Dù còn nhiều điều cần cải thiện, Việt Nam đã có chỗ đứng riêng trong lòng các du khách quốc tế khi nói về du lịch Đông Nam Á. Họ tin Việt Nam đang từng bước tiến gần đến thành công du lịch Thái Lan đã đạt được nhưng vẫn giữ được sự chân thành, ấm áp.
Theo: vnexpress