Khách quốc tế ngày càng ‘lộng hành’ ở Nhật Bản

Khách quốc tế ngày càng ‘lộng hành’ ở Nhật Bản: Nhiều khách du lịch nước ngoài đang lợi dụng sự nhẹ tay của Nhật Bản để gây rối, thách thức giá trị địa phương.

Nhật Bản ngày càng khó chịu với những người ảnh hưởng trên mạng xã hội nước ngoài. Họ tới du lịch, gây rối và thể hiện sự thách thức rõ ràng với chuẩn mực địa phương.

Tuần trước, một video được đăng tải trên TikTok và các nền tảng mạng xã hội khác ghi lại cảnh người đàn ông nước ngoài đội mũ cam, ngồi trên sàn ở sảnh của khách sạn Hyatt Regency Kyoto. Cảnh sát đã đến và yêu cầu người này rời đi vì anh ta không phải là khách của khách sạn.

Người đàn ông gần như không chú ý đến cảnh sát và người phiên dịch, chỉ nhìn thẳng vào khoảng không. Khi cảnh sát cố mở túi của anh ta, người này quay lại máy quay và nói “không cho phép sờ vào đồ của mình”. Đoạn video ngay lập tức tạo ra những bình luận giận dữ, nhiều dân mạng nói cảnh sát Nhật Bản quá lịch sự và khách du lịch đang coi thường chuẩn mực địa phương.

Makoto Watanabe, Giáo sư truyền thông và phương tiện tại Đại học Bunkyo Hokkaido ở Eniwa, Hokkaido, cho biết công chúng Nhật Bản đang không hiểu lý do các streamer (người phát trực tiếp) nước ngoài lại hành xử như vậy. Ông nhấn mạnh mình và nhiều người Nhật khác đang rất tức giận.

“Rõ ràng họ làm vậy để thu hút sự chú ý và kiếm tiền từ việc có nhiều người xem nội dung của mình”, ông nói, cho biết nhiều video đã vượt quá giới hạn hành vi chấp nhận được. Giáo sư khẳng định đây không phải câu chuyện “tự do ngôn luận”. Một bộ phận khách nước ngoài đang cố tình làm trái pháp luật và thử thách giới hạn những gì có thể làm ở Nhật Bản. Họ tin cảnh sát sẽ không thực sự mạnh tay để ngăn mình lại.

Khách quốc tế ngày càng 'lộng hành' ở Nhật Bản
Khách quốc tế ngày càng ‘lộng hành’ ở Nhật Bản

Trên hình: Du khách tập trung chụp ảnh ở Kyoto

Watanabe cho rằng một số người có thể “cảm thấy mình vượt trội hơn người khác và không cần tuân theo luật pháp hay phong tục địa phương”. Tuy nhiên, sự tức giận trong cộng đồng bản địa đang gia tăng và người dân cần cảnh sát hành động quyết liệt hơn.

Nhật Bản từ lâu đã phải đối mặt với tình trạng khách du lịch phớt lờ các quy tắc và nghi thức. Ví dụ, các nhà điều hành của chợ cá Tsukiji nổi tiếng ở Tokyo còn cấm người ngoài vào khu vực bán hàng khi chợ được cải tạo và mở cửa lại vào năm 2018. Nguyên nhân đến từ các sự cố trong quá khứ khi khách du lịch gây rối với cá.

Năm 2018, vlogger người Mỹ nổi tiếng Logan Paul gây ra tranh cãi khi phát sóng hình ảnh một nạn nhân tự tử tại Aokigahara, khu rừng tự tử nổi tiếng của Nhật Bản. Logan sau đó đã xin lỗi vì đã làm trò đùa về người đàn ông đã chết nhưng vẫn bị Google giới hạn khả năng kiếm tiền quảng cáo trên nền tảng này.

Tuy nhiên, khi sự cạnh tranh để thu hút lượt xem ngày càng gay gắt, các nhà phân tích cho rằng những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đang trở nên “bạo” hơn nhằm thu hút sự chú ý.

Hôm 6/3, YouTuber nổi tiếng người Mỹ Ice Poseidon, tên thật Paul Denino, cùng nhóm người theo dõi của anh ta đã bị yêu cầu xuống phà ở Kagoshima, miền nam Nhật Bản. Các tuần duyên nhận được một khiếu nại từ nhà điều hành phà về hành vi gây rối và hủy vé của họ.

Quyết định này được đưa ra hai tuần sau khi chính nhóm này gây rối trên một chuyến phà khác. Denino đã cổ vũ một cô gái Nhật Bản la hét những cụm từ xúc phạm về các tổ chức tội phạm yakuza bằng tiếng Anh. Cô gái dường như không hiểu những gì mình đang nói. Denino và các đồng nghiệp cũng quay video cảnh họ nằm dài trên ghế tàu, diễn cảnh đánh nhau trên tàu cùng với những hành khách khác và ăn cắp trái cây từ một vườn cây ăn trái.

Một trong những thành viên của nhóm Denino còn quay video ném quả bóng tuyết vào mặt một công nhân tại lễ hội Tuyết Sapporo, khiến người này bị rách môi. Cảnh sát được gọi tới nhưng người kia đã được thả mà không bị xử phạt.

Khalid bị bắt vì hành vi gây rối
Khalid bị bắt vì hành vi gây rối

Một streamer khác nổi tiếng từng làm phật lòng người Nhật là Ismael Ramsey Khalid. Anh này đã quay video trên tàu, nói với hành khách: “Hiroshima, Nagasaki, chúng tôi sẽ làm lại” và tham gia một số cuộc ẩu đả trên đường phố.

Khalid đã bị bắt nhiều lần trong chuyến đi của anh ta tới Nhật Bản vào năm 2023, bao gồm tội xâm phạm tại một công trường xây dựng ở Osaka và quấy rối tại nhà hàng bằng việc mở nhạc ồn ào. Vào tháng 1, anh ta bị kết tội gây rối công cộng, phải nộp phạt 200.000 yên (khoảng 34 triệu đồng).

Khalid đã rời Nhật Bản nhưng bị cáo buộc gây ra những sự cố tương tự ở Hàn Quốc, bao gồm hôn một bức tượng của “người phụ nữ an ủi” ở Seoul, cố tình làm đổ một bát mì trong cửa hàng tiện lợi và chơi nhạc ồn ào trên các chuyến xe buýt và tàu.

Kyle Cleveland, Giáo sư văn hóa Nhật Bản tại cơ sở của Đại học Temple ở Tokyo, cho biết các streamer nước ngoài đang thử xem họ “có thể đi xa đến đâu”.

“Chắc chắn nếu họ thử làm bất kỳ điều gì như vậy ở Trung Quốc hay Nga, hậu quả sẽ đến rất nhanh”, ông nói, cho biết những vị khách vô ý thức này hiểu họ có thể lợi dụng sự khoan dung của người Nhật Bản. Theo ông một trong những điều tồi tệ nhất tại Nhật Bản là gây phiền toái cho người khác hoặc thiếu tôn trọng các biểu tượng văn hóa.

“Hãy cẩn thận với sự giận dữ của người đàn ông kiên nhẫn vì khi các cơ quan chức năng ở đây đã thấy đủ, họ sẽ mạnh tay”, Cleveland nói.

Theo SCMP

Mời bạn tham khảo thêm chương trình Tour Du lịch Nhật Bản 6 Ngày 5 Đêm: NHẬT BẢN MÙA LÁ ĐỎ

Bài viết liên quan