Thủ tướng yêu cầu tháng 4 phải trình chính sách mở visa

Mở rộng chính sách miễn thị thực, ưu đãi về thị thực là một trong những nội dung quan trọng mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương nghiên cứu nhằm thúc đẩy phát triển du lịch.

Thủ tướng yêu cầu tháng 4 phải trình chính sách mở visa
Thủ tướng yêu cầu tháng 4 phải trình chính sách mở visa
Visa đang là một trong những rào cản lớn trong việc thu hút khách quốc tế đến Việt Nam

Nội dung được nêu trong Công điện số 34/CĐ-TTg yêu cầu thúc đẩy phát triển du lịch, bảo đảm thực hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số mà Chính phủ vừa ban hành.

Thủ tướng yêu cầu tháng 4 phải trình chính sách mở visa

Ngay trong tháng 4, trình đề xuất mở visa

Trong số các nhiệm vụ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nội dung tiếp tục mở rộng chính sách miễn thị thực, ưu đãi về thị thực được giao “deadline” khẩn trương nhất. Cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao chủ trì, phối hợp với Bộ VH-TT-DL nghiên cứu, đề xuất việc áp dụng chính sách thị thực thuận tiện, linh hoạt cho khách du lịch như: miễn thị thực (bao gồm cả chính sách miễn thị thực ngắn hạn), cải tiến thủ tục xét duyệt thị thực cho khách du lịch nhập cảnh vào Việt Nam theo các chương trình kích cầu du lịch hoặc tham gia các sự kiện ngoại giao văn hóa theo lời mời của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Song song, đề xuất cụ thể các chính sách ưu đãi thị thực cho các đối tượng đặc thù như: nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ, vận động viên thể thao nổi tiếng thế giới, chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư, tỉ phú nhập cảnh vào Việt Nam vì mục đích du lịch, triển khai các nhiệm vụ, đề án về hội nhập quốc tế, hợp tác nghiên cứu, đầu tư phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo…

Ngoài ra, nghiên cứu, đề xuất các chính sách thông thoáng, thuận lợi thúc đẩy phát triển du lịch ở khu vực biên giới.

Cả ba nội dung này đều phải báo cáo Thủ tướng ngay trong tháng 4.

Cùng với việc “mở rộng cửa” đón khách, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến quảng bá du lịch trong năm 2025 cũng như các năm tiếp theo. Trong đó, chủ động đổi mới cách thức, nội dung, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, bảo đảm thực hiện thống nhất, chuyên nghiệp, hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá du lịch ở trong nước và nước ngoài; xây dựng và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Bộ chuyên ngành cần phối hợp với Bộ Ngoại giao nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan đại diện ở nước ngoài trong việc xúc tiến, quảng bá du lịch; khuyến khích doanh nghiệp du lịch đặt văn phòng đại diện tại nước ngoài; phát huy vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 5.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan nâng cao hiệu quả liên kết xây dựng và triển khai các chương trình kích cầu du lịch gắn với các gói sản phẩm, dịch vụ, doanh nghiệp cụ thể, bảo đảm tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế và nội địa; hoàn thành trong tháng 5.

Việt Nam đặt mục tiêu đón 22 - 23 triệu khách quốc tế trong năm nay, đưa du lịch thành động lực tăng trưởng kinh tế
Việt Nam đặt mục tiêu đón 22 – 23 triệu khách quốc tế trong năm nay, đưa du lịch thành động lực tăng trưởng kinh tế

Phát huy lợi thế nổi trội phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng

Trong công điện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thời gian qua, du lịch Việt Nam đã phục hồi sau đại dịch Covid-19, đạt kết quả tăng trưởng ấn tượng, trở thành điểm sáng trong tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Trong 3 tháng đầu năm 2025, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6 triệu lượt, cao nhất từ trước đến nay, tăng 29,6% so với quý 1/2024, góp phần khẳng định vị thế, sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam.

Năm nay, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 22 – 23 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 130 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch tăng trưởng 12 – 13%. Từ đó, tạo động lực lan tỏa phát triển các ngành, lĩnh vực khác, đóng góp tích cực, hiệu quả vào thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên; góp phần tăng tốc, bứt phá, tạo đà, tạo thế, tạo lực cho tăng trưởng hai con số ở các giai đoạn tiếp theo, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ VH-TT-DL cùng các bộ, ngành, địa phương cần phát huy lợi thế nổi trội để phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng.

“Cần tăng cường liên kết để phát huy hiệu quả thế mạnh, lợi thế khác biệt, nổi trội của từng địa phương, từng vùng trong phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng: tăng cường kết nối sản phẩm với thị trường, chú trọng gia tăng giá trị thương hiệu sản phẩm du lịch. Thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch, tiêu dùng du lịch gắn với “xuất khẩu tại chỗ” các sản phẩm văn hóa, nông nghiệp, công nghiệp mà Việt Nam có thế mạnh” – Thủ tướng lưu ý.

Du lịch Việt Nam còn rất nhiều dư địa để bứt phá xứng tầm với tiềm năng

Đối với lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đối xanh, Thủ tướng yêu cầu Bộ VH-TT-DL khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư du lịch có trách nhiệm theo hướng đầu tư xanh và bền vững, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh để thúc đẩy xu hướng tiêu dùng du lịch xanh. Phát triển đa dạng các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh như du lịch sinh thái, du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá, trải nghiệm các giá trị di sản tự nhiên và văn hóa, nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe; báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 5.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch tiếp cận các điểm đến du lịch, Thủ tướng yêu cầu Bộ VH-TT-DL phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan, địa phương liên quan tăng cường chỉ đạo việc kết nối hàng không, đường sắt, đường bộ, đường thủy, đường biển trong nước và quốc tế, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước tháng 6.

Các đơn vị cần đẩy mạnh thu hút đầu tư nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không, cảng biến, nhà ga phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước, nhất là tại các địa phương trọng điểm đón khách du lịch thông qua việc hợp tác công – tư hoặc xã hội hóa. Chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường năng lực kết nối và dịch vụ thuận lợi tiếp cận các điểm đến du lịch với các trung tâm đầu mối đón khách du lịch; báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 8.

Theo: thanhnien

Bài viết liên quan