Việt Nam có nên cấp ‘visa vàng’ cho khách quốc tế?
Các chuyên gia du lịch cho rằng Việt Nam nên có visa vàng để thu hút khách nhà giàu, nhưng cần chọn lọc và thí điểm trước ở một số nơi như Phú Quốc, Hà Nội, Đà Nẵng.
Trong thư gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hôm 25/3, Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) đề xuất một số giải pháp nhằm kích cầu du lịch Việt trong đó có gợi ý cấp “thị thực vàng” với thời hạn 5-10 năm, có khả năng gia hạn, dài hơn so với thời hạn 1-2 năm hiện tại.
Thị thực vàng hay Golden visa là loại thị thực thời hạn lưu trú dài hạn. Người có visa này được hưởng nhiều quyền lợi như xuất nhập cảnh không giới hạn số lần, được mở công ty, đầu tư, sinh sống như thường trú nhân, đóng góp đáng kể cho nền kinh tế nước sở tại. Tệp khách hướng đến là giới tinh hoa, nhà giàu, hưu trí, chuyên gia, giới đầu tư.

Trên hình: Du khách đạp xe trải nghiệm làng rau Trà Quế ngày 14/11/2024. Ảnh: Đắc Thành
Herbert cho biết nhiều khách quốc tế “dần trở nên mệt mỏi với các trung tâm du lịch quá phát triển”. Thứ họ đang tìm kiếm chính xác là những gì Việt Nam có – văn hóa phong phú, vẻ đẹp thiên nhiên, các cơ hội đầu tư hấp dẫn.
Khách cao cấp đánh giá cao Việt Nam ở dịch vụ y tế được cải thiện đáng kể với nhiều bệnh viện, phòng khám đạt chuẩn quốc tế tại các trung tâm lớn. Trang thiết bị y tế hiện đại, đội ngũ bác sĩ giỏi và được đào tạo quốc tế. Phát triển cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe đã xóa bỏ rào cản quan trọng đối với người nghỉ hưu và cư dân lưu trú dài hạn đang cân nhắc ở tại Việt Nam vì họ không cần phải đi nơi khác để nhận được dịch vụ y tế chất lượng.
Với kinh nghiệm 20 năm làm trong lĩnh vực khách sạn cao cấp tại Việt Nam, Herbert đã chứng kiến sự phát triển mạnh của cơ sở hạ tầng, tiêu chuẩn dịch vụ. Ông đánh giá Việt Nam đã sẵn sàng cạnh tranh trên toàn cầu để thu hút du khách, nhà đầu tư quốc tế dài hạn.
Giám đốc Bán hàng và Tiếp thị của Azerai Resorts Jimmy Trần cho rằng Việt Nam cấp thị thực vàng sẽ “đánh dấu bước ngoặt quan trọng cho vị thế quốc gia trên thị trường khách sạn xa xỉ toàn cầu”. Ông Jimmy đánh giá đây là đề xuất kịp thời và mang tầm nhìn chiến lược. Khi cung cấp chính sách này, Việt Nam có thể chuyển mình từ một điểm đến lưu trú ngắn ngày thành điểm cư trú lâu dài, thường xuyên cho những khách có giá trị tài sản ròng cao cũng như các chuyên gia, công dân toàn cầu đang tìm kiếm cơ hội nghỉ dưỡng lẫn đầu tư. Tính dài hạn của “thị thực vàng” mang lại cảm giác an toàn cho khách quốc tế cũng như phù hợp với kỳ vọng của thị trường cao cấp.
Trên quy mô quốc gia, ông Jimmy cho rằng chính sách sẽ thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực khách sạn, bất động sản cao cấp và các khu nghỉ dưỡng. Từ đó, người dân địa phương cũng được hưởng lợi nhờ nguồn việc làm dồi dào hơn. Danh tiếng Việt Nam cũng vang xa hơn gắn với lối sống cao cấp.

CEO Herbert nói nếu đề xuất này được áp dụng, Việt Nam sẽ được định vị tên tuổi rõ ràng hơn trong bản đồ đầu tư toàn cầu. Điều này không dừng ở việc mang lại lợi thế cho ngành du lịch mà còn giúp Việt Nam xây dựng mối quan hệ ý nghĩa, lâu dài với các du khách thuộc giới tinh hoa, những người có thể trở thành nhà đầu tư hoặc đại sứ hình ảnh cho Việt Nam. “Đó chính là sự phát triển tự nhiên mà ngành du lịch của chúng ta cần”, theo Herbert.
Visa vàng dài hạn không phải điều mới mẻ, chính sách này từng được nhiều quốc gia áp dụng. Năm 2022, Thái Lan đã triển khai chương trình “Thị thực cư trú dài hạn” lên đến 10 năm cho khách quốc tế. Năm 2025, Thái Lan điều chỉnh các tiêu chí của chương trình này để thu hút thêm nhân tài toàn cầu và thay thế “Thị thực ưu tiên” ra mắt năm 2003 bằng “Thị thực nhập cảnh đặc quyền Thái Lan”. Singapore cũng có chương trình “Nhà đầu tư toàn cầu”, Malaysia có “ngôi nhà thứ hai của tôi” để thu hút nhân tài, giới nhà giàu. Các quốc gia khác cũng có chính sách tương tự là UAE, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hy Lạp.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 và hai tháng đầu năm hôm 5/3, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu chính sách visa phù hợp, đặc biệt là các nước bạn bè truyền thống, đa dạng hóa việc miễn visa với một số quốc gia, đối tượng như tỷ phú trên thế giới. Việt Nam cấp thị thực vàng được các chuyên gia cho là phù hợp, đi đúng theo đúng hướng mà chính phủ và ngành du lịch đặt ra.
Nhận xét về tính hiệu quả của “thị thực vàng”, Viện trưởng Phát triển Du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh cho biết chính sách là một phần quan trọng trong chiến lược thu hút khách du lịch cao cấp tại các quốc gia láng giềng như Thái, Malaysia, Singapore. Những quốc gia này đã thành công trong việc thu hút các nhà đầu tư và du khách giàu có, cải thiện nền kinh tế, phát triển ngành du lịch.
Tổng giám đốc AZA Travel kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Hà Nội Nguyễn Tiến Đạt cho biết Việt Nam đang tính khách theo lượt. Khách đến một ngày cũng là một khách, khách ở một tháng cũng là một khách. Do đó, thị thực vàng sẽ là cách để ngành du lịch chọn lọc được nhóm khách nhà giàu để có chiến lược cung cấp các dịch vụ phù hợp.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng e ngại về những mặt còn tồn tại của chính sách thị thực vàng như làn sóng giá bất động sản bị đẩy cao, nhiều trường hợp “giả danh du khách” đến đầu tư nhưng thực chất là rửa tiền. Do đó, các chuyên gia cho rằng cần đưa ra các tiêu chuẩn và xét duyệt thận trọng trong việc cấp loại visa này với khách quốc tế tại Việt Nam.
Ông Quỳnh cho rằng người được hưởng chính sách cần có khối tài sản hoặc bất động sản có giá trị nhất định; có khả năng chi tiêu lớn cho du lịch, lưu trú, trải nghiệm tại Việt Nam. Những du khách quốc tế này cũng cần có nghề nghiệp uy tín tại quê nhà hoặc vị trí lãnh đạo cấp cao trong các lĩnh vực công nghệ, tài chính, sản xuất. Họ cần cung cấp được tài chính ổn định để chứng tỏ khả năng chi trả khi ở Việt Nam.
Theo CEO Tiến Đạt, người được cấp thị thực vàng cần chứng minh sở hữu nguồn tiền sạch. Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể chọn một số quốc gia để thí điểm cấp thị thực vàng trước, như các quốc gia Việt Nam đang miễn thị thực đơn phương và thị trường Âu – Mỹ.
“Có thể dựa theo các chính sách, tiêu chuẩn mà Thái Lan đã làm trước đó và tùy chỉnh cho phù hợp”, ông Đạt gợi ý và nhấn mạnh Việt Nam có quyền từ chối cấp visa hoặc từ chối nhập cảnh với những đối tượng nghi ngờ.
Ngoài vấn đề tài chính, chính phủ nên đưa vào các tiêu chí đánh giá sự gắn kết của du khách với đất nước như ứng viên cần phải có sự quan tâm đến truyền thống dân tộc của Việt Nam, hỗ trợ phát triển cộng đồng. Những yếu tố định tính này sẽ đảm bảo Việt Nam thu hút những người thực sự tôn trọng và yêu thích văn hóa chứ không chỉ muốn tìm kiếm sự thuận tiện về visa, theo Herbert.
Các chuyên gia cũng cho rằng chưa cần thiết áp dụng visa vàng trên toàn quốc, nên thí điểm ở một số điểm đến phù hợp, có đầy đủ cơ sở hạ tầng, điểm tham quan, nghỉ dưỡng như Hà Nội, TP HCM, Phú Quốc, Đà Nẵng. Trong thời gian chờ đợi chính sách được xem xét, Việt Nam cũng cần nâng cấp chuỗi cung ứng dịch vụ, chất lượng của đội ngũ phục vụ nhằm tăng tính cạnh tranh toàn cầu.
Điều quan trọng nhất, Việt Nam không nên chỉ sao chép những gì các nước khác đã làm, cần tạo ra chương trình riêng biệt phản ánh điểm mạnh độc đáo.
“Việt Nam không chỉ là một điểm đến khác ở Đông Nam Á, bên cạnh Thái Lan, Malaysia hay Singapore. Việt Nam có bản sắc riêng, và chương trình thị thực vàng nên thể hiện được sự độc đáo đó”, ông Herbert nói
Theo:vnexpress