Ngay từ thời điểm này, nhiều gia đình đã có kế hoạch đưa con cái đi du lịch hè, hoặc đăng ký các khóa học thêm mùa hè. Lợi dụng nhu cầu đó, các chiêu trò lừa đảo đã được giăng ra.
Hè đến, lại rộ lừa đảo du lịch, học thêm
Hoang mang đặt phòng khách sạn
Chị Hương Trà (ngụ TP.HCM) là nạn nhân mới bị mất tiền đặt cọc khách sạn. Chị kể: “Tôi và chồng lên mạng đặt phòng cho mấy ngày nghỉ và chọn khách sạn Fusion Suites Vũng Tàu. Do trang Facebook của khách sạn này có rất nhiều hình ảnh và thông tin khá đầy đủ nên chúng tôi nhắn tin trò chuyện với nhân viên sales không chút nghi ngờ”.
Sau khi tham khảo, vợ chồng chị Trà chọn phòng và đặt cọc 3 triệu đồng. Một lúc sau, nhân viên liên hệ lại nói phòng đã được người khác đặt, yêu cầu chị cung cấp số tài khoản để hoàn lại tiền. Có số tài khoản rồi thì họ bảo do tài khoản chưa đăng ký nhận tiền chuyển đến từ doanh nghiệp nên cần nhập mã gì đó. Đến lúc này, chị Trà cảm thấy nghi ngờ và liên hệ trực tiếp bằng số điện thoại đến khách sạn thì mới biết đã bị lừa bởi kẻ mạo danh. Cũng may chị cảnh giác không làm theo, nếu không là mất thêm nhiều tiền nữa.

Chị Nguyễn Thy (ngụ Hà Nội) lại bị đối tượng lừa đảo giả mạo khách sạn Stella Maris Đà Nẵng và lấy mất tiền đặt phòng. “Bọn họ cũng yêu cầu tôi đặt cọc xong rồi nói bị sai nội dung chuyển khoản và buộc tôi chuyển thêm lần thứ 2 để được hoàn tiền. Sau mấy lần hứa hẹn thì tôi nhận ra mình bị lừa, đành chịu mất tiền oan uổng”, chị Thy bức xúc.
Trước đó, chị B.N (ngụ TP.HCM) mất 16 triệu đồng tiền đặt phòng ở Phan Thiết (Bình Thuận) cũng vì trò lừa đảo tương tự. Đến khi chị phát hiện thì số điện thoại không liên lạc được, website đặt phòng cũng biến mất.
Lừa đảo đặt phòng khách sạn đã rộ lên khá lâu, thế nhưng vẫn rất nhiều người sập bẫy dù chiêu trò không mới. Đặc biệt thời gian này, khi mùa hè sắp tới, nhu cầu du lịch hè tăng cao, các đối tượng lừa đảo càng hoạt động ráo riết.

Ông Ngô Minh Hiếu, Giám đốc dự án Chống lừa đảo, xác nhận tình hình mạo danh các website, fanpage của các resort, khách sạn, khu du lịch hiện nay rất phổ biến. Các đối tượng lừa đảo sử dụng trang Facebook có giao diện gần giống với chính chủ, thậm chí trang Facebook còn có cả tích xanh để đánh lừa người có nhu cầu đặt phòng du lịch. Nhằm tăng độ tin cậy, các đối tượng còn chạy quảng cáo trang Facebook với hàng chục nghìn lượt theo dõi, có cả số hotline để liên hệ, tư vấn, tạo các bình luận “ảo” khen ngợi, tự đưa ra các chương trình khuyến mại với mức giá hấp dẫn, qua đó thu hút khách hàng liên hệ tư vấn và chuyển khoản đặt cọc. Sau khi đặt cọc, đối tượng lừa đảo lại thông báo khách hàng chuyển sai nội dung và yêu cầu chuyển lại tiền để “bộ phận kế toán” xác nhận và hoàn lại số tiền thừa. Tuy nhiên, sau nhiều lần chuyển khoản, các đối tượng sẽ chặn liên lạc và chiếm đoạt toàn bộ số tiền chuyển khoản của nạn nhân.
Đăng ký học hè cũng bị lừa
Mùa hè cũng là thời điểm nhu cầu tìm kiếm khóa học hè cho con tăng cao. Các đối tượng khai thác tâm lý này để chạy quảng cáo và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mới đây, chị Thanh Thủy (ngụ Q.8, TP.HCM) lên mạng tìm kiếm học kỳ quân đội cho con trai 14 tuổi. Sau khi tham khảo nhiều bên, chị chọn được một trung tâm gần nhà với chi phí cạnh tranh, nhiều hoạt động hấp dẫn. Chị được tư vấn viên hướng dẫn tham gia vào một nhóm chat trên ứng dụng Telegram để hoàn tất các thủ tục ghi danh sớm, nhận ưu đãi…
“Để con có thể được chọn các lớp đặc biệt, tôi được đề nghị làm khảo sát từ “đơn vị đồng hành của trại hè”. Sau mỗi khảo sát, điểm tín nhiệm của phụ huynh được tăng lên, con em có cơ hội nhận ưu đãi cao hơn. Ban đầu các khảo sát chỉ cần vài trăm ngàn đồng đặt cọc, hoàn thành nhiệm vụ sẽ được hoàn tiền. Tuy nhiên, khi thấy số tiền của những lần khảo sát sau cao hơn, tôi nghi ngờ yêu cầu hoàn lại tiền cọc thì người tư vấn thuyết phục tôi tiếp tục làm nhiệm vụ. Nhưng khi thấy tôi nhất định không tin và đòi đến tận văn phòng để hỏi cho rõ thì nhân viên này đã chặn liên lạc”, chị Thủy kể.
Liên tiếp mấy ngày gần đây, cơ quan công an tại một số địa phương đã cảnh báo về hình thức lừa đảo này. Bộ Công an còn gửi tin nhắn SMS đến các thuê bao di động để nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân. Cụ thể, hiện nay đang xuất hiện tình trạng tội phạm tạo lập các website, Facebook giả mạo các trường đại học, trung tâm đào tạo, quảng cáo các khóa huấn luyện học kỳ, trại hè quân đội, công an… cho trẻ em nhằm tiếp cận phụ huynh có nhu cầu và dụ dỗ nạp tiền tham gia để chiếm đoạt tài sản. Cơ quan công an khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, chỉ đăng ký tham gia và chuyển tiền khi đã tìm hiểu rõ thông tin của đơn vị tổ chức.
Tương tự, với tình trạng lừa đảo đặt phòng khách sạn, vé máy bay, vé xe giá rẻ…, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân khi đặt phòng trên các nền tảng trực tuyến, cần lưu ý kiểm tra kỹ địa chỉ website, có chứng chỉ bảo mật (biểu tượng khóa ở góc trên bên trái của trình duyệt) và có địa chỉ rõ ràng. Chủ động liên hệ trực tiếp với khách sạn trước khi thanh toán thông qua các thông tin liên hệ trên trang chính thức như số hotline hoặc gửi email trực tiếp để xác minh thông tin về phòng và dịch vụ; không làm theo các yêu cầu, hướng dẫn chuyển tiền cho các đối tượng vì những lý do như sai cú pháp nhắn tin, bị treo tiền trên hệ thống… Tuyệt đối không tải xuống các ứng dụng lạ hay ấn vào các đường link không xác định từ bên thứ ba. Chỉ nên đặt phòng qua các nền tảng uy tín vì có hệ thống bảo vệ thanh toán và các chính sách hoàn tiền nếu xảy ra sự cố.
Cảnh giác lừa đảo cập nhật định danh điện tử mức 2 hồ sơ tuyển sinh đại học
Ngày 12.5, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết đã phát hiện tình trạng một số đối tượng lợi dụng thời gian cao điểm trước thềm tuyển sinh đầu cấp học, bậc học, kỳ thi, kiểm tra đánh giá năng lực tại các trường để giả danh cảnh sát khu vực, yêu cầu phụ huynh học sinh cập nhật định danh điện tử mức 2 cho con em mình nhằm kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ gấp trong ngày, tránh trường hợp bị “sai lệch” thông tin đăng ký, dẫn đến chậm muộn thủ tục dự thi.
Thậm chí các đối tượng này còn sử dụng chiêu trò đe dọa “ảnh hưởng đến tương lai” của con em để gieo rắc tâm lý hoang mang, lo lắng cho các bậc phụ huynh, từng bước lôi kéo sa vào “bẫy” mà chúng đặt ra. Các đối tượng lừa đảo đề nghị phụ huynh học sinh gọi điện thoại video có bối cảnh nhiều người mặc trang phục công an như đang làm việc tại trụ sở; sau đó dẫn dụ phụ huynh học sinh cài đặt ứng dụng “dịch vụ công trực tuyến” giả mạo.
Quá trình thực hiện, đối tượng sẽ thu thập, chiếm đoạt thông tin tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, mật khẩu, mã OTP và ghi nhận hình ảnh sinh trắc học (chụp ảnh/video nhận dạng khuôn mặt) để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của phụ huynh.
Theo: thanhnien