Du khách nước ngoài đã chi đến hơn 45 tỷ USD tại Nhật Bản, đem về số ngoại tệ còn nhiều hơn cả xuất khẩu thiết bị điện tử, bán dẫn và thép.
Số liệu chính thức của chính phủ Nhật Bản mới đây cho thấy du khách nước ngoài đã chi tiêu nhiều gấp 5 lần trong 10 năm qua, biến mảng này thành ngành xuất khẩu có kim ngạch lớn thứ 2 toàn quốc, sau xuất khẩu ô tô nhưng lại cao hơn mảng thiết bị điện tử, bán dẫn và thép.
Cụ thể, tổng chi tiêu mua sắm trực tiếp của du khách không phải công dân Nhật Bản tại thị trường này trong quý I/2024 đã đạt 7,2 nghìn tỷ Yên, tương đương 45,1 tỷ USD. Con số này cao hơn nhiều so với 4,6 nghìn tỷ Yên quý IV/2019, ngay trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra.
Đây cũng là lần đầu tiên chi tiêu của du khách nước ngoài biến ngành du lịch Nhật Bản thành mảng kiếm nhiều ngoại tệ thứ 2 toàn quốc.
Trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ô tô của Nhật Bản đem về 17,3 nghìn tỷ Yên, đứng đầu danh sách, tiếp đó là thiết bị điện tử, bán dẫn và thép. Tuy nhiên, năm nay ngành du lịch Nhật Bản đã có cú lội ngược dòng ngoạn mục.
Đặc biệt hơn, tốc độ tăng trưởng ngành du lịch cũng khả quan hơn các mảng kinh tế khác.
Tăng trưởng chi tiêu du khách quốc tế tại Nhật Bản tăng hơn 60% trong vòng 5 năm trở lại đây, cao hơn mức 45% của mảng ô tô và xuất khẩu thép, trong khi mảng thiết bị điện tử chỉ tăng trưởng chưa đến 40%.
“Các ngành xuất khẩu truyền thống của Nhật Bản không tận dụng được nhiều từ đồng Yên yếu vì các doanh nghiệp đã dịch chuyển nhà máy sang nước ngoài từ thập niên 2010”, chuyên gia Saisuke Sakai của Mizuho Research & Technologies cho hay.
Ngoài ra, việc bùng nổ du khách quốc tế khiến cơ sở hạ tầng Nhật Bản không theo kịp, trong khi nhiều cư dân địa phương bức xúc vì tình trạng quá tải.
Đồng Yên yếu biến du lịch thành mảng ‘thu ngoại tệ’ lớn thứ 2 của Nhật Bản, cao hơn cả xuất khẩu thiết bị điện tử và bán dẫn
Bùng nổ
Trong khoảng tháng 1-5/2024, Nhật Bản đã đón hơn 14,6 triệu du khách quốc tế đến thăm quan. Riêng trong tháng 3/2024, nước này đã đón gần 3,1 triệu du khách nước ngoài, mức cao kỷ lục kể từ năm 1964.
Nếu đà này tiếp tục thì ngành du lịch Nhật Bản sẽ dễ dàng vượt qua mức 31,9 triệu du khách của năm 2019, ngay trước khi đại dịch diễn ra.
So sánh với nước ngoài, ngành du lịch Nhật Bản cũng có sự tăng trưởng cao hơn. Ví dụ tăng trưởng chi tiêu của khách du lịch nước ngoài tại đây đạt 38,8% trong quý IV/2023 so với cùng kỳ năm 2019, thế nhưng con số này chỉ là tương ứng 30,7% và 16,5% tại Tây Ban Nha và Italy. Thậm chí tại Mỹ và Singapore, tỷ lệ này là (-4,3%) và (-1,6%).
Tính bình quân chi tiêu đầu người của du khách quốc tế tại Nhật Bản thì tỷ lệ tăng trưởng đạt tới 31% trong khoảng 2019-2023.
Nguyên nhân chính cho sự bùng nổ này là do đồng Yên xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD, khiến giá khách sạn, vui chơi, sinh hoạt tại Nhật Bản trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết với du khách quốc tế.
Việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) giữ lãi suất cao khiến dòng vốn nước ngoài đổ về Mỹ, gây áp lực lên tỷ giá các đồng tiền Châu Á.
Tại Nhật Bản, rủi ro giảm phát khiến nền kinh tế này phải giữ mức lãi suất âm trong nhiều năm và từ chối thay đổi chính sách nới lỏng tiền tệ ngay cả khi FED đã nâng lãi suất.
Phải mãi đến tận tháng 3/2024, Nhật Bản mới chính thức kết thúc lãi suất âm kéo dài suốt 17 năm nhưng mức tăng không nhiều. Chính quyền Tokyo vẫn kỳ vọng đồng Yên yếu sẽ hỗ trợ xuất khẩu nhưng do doanh nghiệp đã dịch chuyển nhà máy ra nước ngoài nên tác dụng của yếu tố tỷ giá không còn lớn.
Thay vào đó, đồng Yên yếu khiến chi phí nhập khẩu tăng cao, ăn mòn lợi nhuận và ảnh hưởng đến tiêu dùng nội địa.
Trớ trêu thay, tỷ giá thấp lại kích thích ngành du lịch có cơ hội trỗi dậy.
Không kịp trở tay
Sự bùng nổ quá mạnh của du khách quốc tế đến Nhật Bản đang khiến nước này không kịp trở tay do cơ sở hạ tầng không theo kịp.
Động thái dùng biện pháp cực đoan như lập rào chắn ngăn chặn khách du lịch chụp hình núi Phú Sĩ từ Fujikawaguchiko của chính quyền Tokyo gần đây là bằng chứng rõ nét nhất.
Người dân bản địa tại đây cảm thấy khó chịu vì quá nhiều du khách nước ngoài đến đây xả rác, chụp hình, vi phạm luật giao thông chỉ để đăng các tấm ảnh đẹp lên mạng xã hội. Bất chấp can ngăn, nhiều du khách quốc tế đã trèo lên rào chắn lề đường để chụp ảnh đẹp có hình núi Phú Sĩ.
Rất nhiều khu danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Nhật Bản do không được đầu tư để đón lượng khách khổng lồ đã rơi vào tình trạng quá tải hoặc chịu tổn thương, gây bất bình trong cộng đồng cư dân bản địa.
Ví dụ tại Kyoto, một điểm du lịch nổi tiếng, một ứng cử viên đã thắng cử thị trưởng vì chính sách chống lại tình trạng quá tải du khách nước ngoài.
Hiện nhiều nơi tại Nhật Bản đang xem xét áp chính sách 2 giá, một hệ thống giá rẻ cho cư dân bản địa và một mức giá đắt hơn cho du khách nước ngoài.
Ví dụ lâu đài Himeji Castle với 400 năm lịch sử và là điểm du lịch nổi tiếng đang tính đến chuyện nâng giá vé cho người nước ngoài đến tham quan.
Vị thị trưởng mới đắc cử tại Kyoto cũng đang xem xét nâng giá vé các phương tiện công cộng với du khách quốc tế, hoặc bố trí những chuyến xe buýt chỉ dừng ở các điểm du lịch để giải quyết tình trạng quá tải hiện nay.
Theo: cafebiz