‘Du lịch Đà Nẵng theo hướng bền vững sẽ không lãng phí tài nguyên’
Trên cơ sở tài nguyên, hạ tầng sẵn có, Đà Nẵng cần sự đồng hành của các nhà đầu tư đủ tầm để phát triển theo hướng bền vững, theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng.
Đà Nẵng đang được quy hoạch để có những khu du lịch tầm cỡ thế giới. 15 năm qua, thành phố có bước nhảy vọt về phát triển du lịch, từ chỗ nghèo nàn thiếu thốn hạ tầng, trở thành một trong những điểm đến hút khách bậc nhất cả nước. Trong kế hoạch phát triển du lịch sắp tới, Đà Nẵng hướng tới mục tiêu bền vững, tận dụng triệt để tài nguyên sẵn có. Ông Cao Trí Dũng đã có những chia sẻ sâu hơn về vấn đề này.
Trên hình: Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Hoàng
– Theo ông, đâu là những yếu tố trọng yếu giúp Đà Nẵng là điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước suốt thời gian qua?
– Những năm qua, Đà Nẵng không chỉ đóng góp về lượng khách, còn trở thành một trong những thương hiệu du lịch gắn với Việt Nam, cả về tài nguyên, hạ tầng, hệ thống dịch vụ, công tác phục vụ và môi trường điểm đến.
Có 3 yếu tố quan trọng giúp Đà Nẵng đạt được thành công này. Trước hết, thành phố sở hữu tài nguyên du lịch phong phú, hấp dẫn, được hỗ trợ bởi vị trí chiến lược, là điểm bay đến thuận lợi của các nước trong khu vực. Các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều dễ dàng tiếp cận, riêng Đông Nam Á bay bay chỉ khoảng 2 giờ đồng hồ. Hệ thống cơ sở hạ tầng của Đà Nẵng được phát triển đồng bộ, hoàn chỉnh; hệ thống dịch vụ đa dạng, chất lượng cao. Đồng thời, nét văn hóa nơi đây đặc sắc, con người thân thiện.
Thứ hai, tư duy đột phá của lãnh đạo địa phương qua nhiều thời kỳ biến Đà Nẵng thành điểm đến có khả năng phát triển du lịch bền vững, dựa trên nền tảng tài nguyên sẵn có kết hợp thu hút đầu tư phát triển hạ tầng.
Cuối cùng, việc thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư lớn có khả năng làm thay đổi diện mạo, sớm hình thành hệ thống hạ tầng đồng bộ cũng như dịch vụ chất lượng cao đã tạo năng lực đột phá cho điểm đến.
– Ông đánh giá thế nào về tác động lan tỏa của ngành du lịch với tăng trưởng kinh tế – xã hội của thành phố?
– Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có sức lan tỏa rộng lớn, tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực. Không chỉ đóng góp lớn vào GRDP hàng năm của thành phố, du lịch còn tạo công ăn công việc làm ổn định, bền vững cho người dân. Lực lượng lao động và tầng lớp dân cư Đà Nẵng trong nhiều năm luôn ủng hộ việc phát triển du lịch bởi sự lan tỏa chung đến nhiều ngành, lĩnh vực cũng như cộng đồng người dân, doanh nghiệp.
Đây là ngành rất có ý nghĩa khi chúng ta trải qua những cú sốc về kinh tế. Tất nhiên, ngành có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất từ các cú sốc cũng là du lịch. Nhưng nhìn về mặt tích cực, du lịch Đà Nẵng qua ba năm dịch bệnh là ngành phục hồi nhanh, sớm nhất và hỗ trợ cho kinh tế thành phố nhiều nhất.
– Nhiều điểm đến trên thế giới tìm cách phục hồi ngành du lịch sau Covid-19 tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt. Theo ông, Đà Nẵng cần hướng phát triển bền vững ra sao để tránh nguy cơ tụt hậu?
– Trong nhiều năm qua, Đà Nẵng luôn giới thiệu được công trình, sản phẩm mới ra thị trường. Với các thị trường mới, có thể sử dụng những sản phẩm đang có. Còn những thị trường lặp lại, chúng ta buộc đưa ra sản phẩm mới, nhưng không đồng nghĩa phải mới hoàn toàn. Ví dụ, Ba Na Hills hay Da Nang Downtown là những điểm đến luôn có sự đột phá, mới mẻ.
– Vậy đâu là giải pháp để thành phố vừa có những dự án tầm cỡ, vừa hướng tới phát triển bền vững, thưa ông?
– Các dự án du lịch cần hướng tới phát huy vẻ đẹp thiên nhiên, hài hòa với tự nhiên, cân bằng lợi ích. Đây là một bài toán rất khó. Tài nguyên nếu không đưa vào khai thác, biết cách khai thác thì chỉ là tài nguyên, khó có thể biến thành sản phẩm du lịch hấp dẫn để nâng cao thương hiệu điểm đến, thu hút thêm khách, tăng thu nhập cho người dân.
Thực tế, nhà đầu tư lớn sẽ có những cam kết rất chắc chắn và luôn bảo vệ thương hiệu. Nếu giao cho một số nhà đầu tư nhỏ lẻ, phải thành công, họ mới làm tiếp. Do đó, chúng tôi vẫn ủng hộ những “sếu đầu đàn”, “đại bàng” lớn có cam kết đồng hành dài hạn để tạo ra nhiều dự án tầm cỡ. Đó cũng là những yếu tố tạo nên sự phát triển du lịch bền vững cho mỗi địa phương.
– Theo ông, làm thế nào để Đà Nẵng sớm sở hữu hình mẫu khu du lịch tầm cỡ thế giới?
– Đây là một định hướng lớn của thành phố về phát triển du lịch và nằm trong quy hoạch chung của điểm đến. Đà Nẵng sẽ có khu du lịch Ba Na Hills đẳng cấp thế giới, hướng tới vượt qua Genting tại Malaysia. Điều này có cơ sở vì Bà Nà gần sân bay, đi lại thuận tiện, phong cảnh tươi đẹp và diện tích không rộng bằng Genting.
Trong nhiều năm qua, với sức hút rất lớn nhưng các loại hình dịch vụ, cơ sở lưu trú không đủ, nên Đà Nẵng bị hụt việc khai thác lượng khách lớn hơn đến Bà Nà. Do đó, có được một khu du lịch tầm cỡ sẽ tạo ra một đầu kéo cho du lịch Đà Nẵng.
Bà Nà được xác định từ lâu là điểm phát triển du lịch của thành phố, không phải đến khi có doanh nghiệp tham gia. Bà Nà cùng Bạch Mã, Tam Đảo, Đà Lạt… là các điểm nghỉ mát người Pháp tìm kiếm để đầu tư từ thế kỷ trước.
Khi xây dựng khu du lịch tầm cỡ, cần hướng đến phát triển bền vững trên tinh thần của ba trụ cột. Thứ nhất, bền vững về kinh tế, thu hút được thêm nhiều khách, tạo nhiều công ăn việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách. Thứ hai là bền vững về các giá trị văn hóa, phù hợp với đặc trưng riêng của điểm đến Bà Nà. Thứ ba là hài hòa với môi trường. Chúng tôi tin Ba Na Hills sẽ phát triển xứng tầm, đạt được vị thế xứng đáng và đóng góp nhiều hơn nữa cho kinh tế, xã hội, du lịch thành phố.
Theo: Thanh Thư / Vnexpress