Du lịch Phú Quốc: Không thể ‘thua’ tiếp: Du lịch Phú Quốc đã trải qua năm 2022 bùng nổ nhưng không thể duy trì sức hút trong năm 2023 khi ghi nhận lượng khách sụt giảm lớn.
Các thống kê chỉ ra tình hình du lịch Phú Quốc trong năm 2023 không mấy khả quan khi tổng lượng khách các dịp lễ lớn đều thấp hơn cùng kỳ. Dịp lễ 30/4-1/5, Phú Quốc đạt khoảng 112.000 lượt, giảm 11,5% so với cùng kỳ còn doanh thu giảm 24,3% so với cùng kỳ. Sang dịp lễ 2/9, lượng khách tiếp tục giảm với tổng cộng 19.000 lượt, giảm 40% so với cùng kỳ, công suất phòng đạt khoảng 27%.
Trả lời VnExpress, ông Phan Đình Huê, chuyên gia về phát triển điểm đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nói báo cáo kinh tế thường niên của ĐBSCL chỉ ra 70% phòng khách sạn từ 3 sao trở lên trong khu vực nằm ở Phú Quốc. Tính riêng tỉnh Kiên Giang, lượng phòng khách sạn từ 3 sao của Phú Quốc chiếm 90% tổng số phòng ở địa phương. Điều này cho thấy mức độ đầu tư vào Phú Quốc là rất lớn. Do đó, nếu “đảo ngọc” tiếp tục thua như năm nay, các doanh nghiệp sẽ đối mặt với vô số khó khăn về tài chính.
Bà Lê Thị Hải Châu, Tổng Thư ký Hội Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc cho biết các cơ sở nghỉ dưỡng trên đảo đều kỳ vọng vào năm 2023 “cất cánh” sau năm 2022 thành công rực rỡ. Tuy nhiên, kết quả hiện tại đã chỉ ra bài học lớn với ngành du lịch Phú Quốc và tất cả những điểm đến khác trong nước.
“Dịch vụ nghỉ dưỡng là chuỗi mắt xích các ngành nghề liên kết nhau, phải phối hợp không thể tự làm”, bà Châu nói.
Theo các chuyên gia ngành du lịch, một phần nguyên nhân đến từ giá vé máy bay cao – có thời điểm lên đến 8 triệu đồng hai chiều nếu khởi hành từ Hà Nội dịp lễ.
Đại diện Hội Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc cũng nhấn mạnh cần có sự phối hợp từ các đơn vị quản lý du lịch, hãng hàng không để giải quyết vấn đề này. Theo bà Châu, sự sụt giảm lượng khách trong dịp 30/4-1/5 có nguyên nhân chính là giá vé máy bay cao. Dù đợt 2/9, giá vé máy bay giảm nhiệt, lượng khách vẫn không như kỳ vọng. Một phần lý do là giá vé từ trước không ổn định đã ảnh hưởng đến việc sắp xếp của du khách và các đơn vị lữ hành.
Một số lý do khác theo du khách phản ánh trước đây dẫn đến tình trạng sụt giảm khách ở Phú Quốc là chi phí ăn, ở khá cao – trước đó còn có tình trạng chia hoa hồng cao cho tài xế dẫn đến giá thành thực đơn ở nhà hàng cao vọt. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, vấn đề này đã phần nào được giải quyết khi chính quyền chủ động rà soát kiểm tra, mức độ ăn chia lợi nhuận giữa taxi và các nhà hàng đang ở mức khoảng 10%, được cho là không cao.
Mặt khác, ông Nguyễn Vũ Khắc Huy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Kiên Giang – nói các thông tin về Phú Quốc trên truyền thông từ đầu năm không mấy tích cực. Khi làm việc với đối tác, ông Huy nhận thấy rõ các thông tin tiêu cực trên truyền thông ảnh hưởng lớn đến tâm lý của khách hàng.
Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Huy, sự sụt giảm lượng khách đang diễn ra chung ở mọi điểm du lịch lớn, không riêng Phú Quốc. Tình hình kinh tế của du khách không mấy dư dả nên việc cắt giảm chi phí du lịch là dễ hiểu.
Để Phú Quốc có thể phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, các chuyên gia có chung quan điểm cần giải quyết hai vấn đề “nội tại” và “khách quan”. Về vấn đề nội tại, ông Huê đánh giá Phú Quốc đang thiếu sự liên kết với các hãng hàng không khiến chi phí vé máy bay không ổn định. Các doanh nghiệp du lịch tại điểm đến và cả địa phương cần sớm có những giải pháp để tháo gỡ khó khăn này.
Trong khi đó, đại diện Hội Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc đề nghị cần chính sách bình ổn giá để hướng tới mục tiêu chung cho du lịch Phú Quốc. Bà Châu cho biết Hội đã nhận được tín hiệu tích cực từ một hãng bay.
Trong tương lai, bà Châu kỳ vọng các hãng hàng không còn lại sẽ tiếp tục cân đối chính sách kinh doanh để đạt được “những thỏa thuận hợp tác bình ổn”. Bên cạnh động thái từ hãng bay, đại diện Hội Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc nhấn mạnh chính quyền cần giữ vai trò chủ chốt, làm cầu nối để các bên tiến tới thực thi những cam kết này.
“Câu chuyện này không phải của riêng doanh nghiệp mà là cả ngành du lịch địa phương”, bà Châu nói.
Theo Hội Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc, địa phương đã tiếp nhận những thông tin về giá vé máy bay, giá dịch vụ du lịch đắt đỏ hay các vấn đề khác liên quan đến vệ sinh môi trường, an ninh trật tự suốt thời gian qua. Từ đầu năm, nhiều cuộc họp đã được chính quyền địa phương tổ chức để “mổ xẻ” lý do, tìm giải pháp. Bà Châu đánh giá những người làm du lịch, chính quyền Phú Quốc đều “cầu thị” và chủ động khắc phục vấn đề. Tuy nhiên, các biện pháp hiện chưa triệt để và cần quyết liệt hơn.
Bà Châu nhấn mạnh, đối diện trực tiếp với vấn đề phát sinh, cải thiện kịp thời là một phần quan trọng để Phú Quốc cải thiện môi trường kinh doanh, đem lại hình ảnh thân thiện, tích cực với du khách.
Mặt khác, đại diện hội cũng mong muốn du khách và truyền thông có cái nhìn công bằng hơn về chi phí dịch vụ, du lịch Phú Quốc. Theo bà Châu, Phú Quốc có nhiều dịch vụ, đa dạng phân khúc từ 1-5 sao để du khách lựa chọn tùy theo nhu cầu. Về phân khúc 5 sao, bà Châu chỉ ra giá một đêm khách sạn 5 sao dao động khoảng 2 triệu đồng cho hai người lớn và hai trẻ em, đã bao gồm ăn sáng, đón tiễn sân bay – chưa kể có đơn vị còn miễn phí vé tham quan khu vui chơi.
“Tôi nghĩ mức giá này khá ‘mềm’ so với phân hạng tương tự trong nước và khu vực. Đó là chưa kể các chi phí khác doanh nghiệp cần trả như bảo trì tài sản, chi phí tài trợ môi trường, bảo dưỡng cảnh quan của đảo cao hơn so với kinh doanh ở đất liền”, bà Châu nói.
Về câu chuyện “chặt chém”, bà Châu nói với lượng khách khoảng 5 triệu lượt mỗi năm, môi trường kinh doanh ở Phú Quốc hay bất kỳ nơi nào có thể phát sinh một số vấn đề và cần cải thiện. Hội Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc đề xuất chính quyền cần sàng lọc, xử lý triệt để những hiện tượng tiêu cực đã được du khách phản ánh. Ngoài ra, Phú Quốc cũng nên đầu tư thêm trạm taxi, xe buýt trên đảo đảm bảo các yếu tố như khai báo đầy đủ, có hệ thống vận hành rõ ràng.
Hiện nay, Phú Quốc đã có xe buýt điện miễn phí đưa đón khách từ sân bay chạy dọc tuyến trung tâm Dương Đông và các điểm vui chơi giải trí. Bà Châu nhận xét đây là mô hình xanh, văn minh, cần nhân rộng, tạo điều kiện hoạt động hiệu quả, qua đó từng bước hạn chế tình trạng xe đưa đón dịch vụ thiếu minh bạch.
Vấn đề khách quan của Phú Quốc nằm ở việc khách quốc tế chưa trở lại như kỳ vọng, du lịch nội địa bị ảnh hưởng bởi tính mùa vụ. Ngoài ra, Phú Quốc cũng có một số thời điểm trong năm thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thời tiết.
Từ phía đơn vị kinh doanh, ông Nguyễn Hoàng Diệu, chủ nhà hàng Gió Biển (Gành Dầu, Phú Quốc) cho biết đã sớm có giải pháp cho bài toán này. Trả lời VnExpress, chủ nhà hàng này nói vào tháng 8 – thời gian thấp điểm ở Phú Quốc – lượng khách Việt sụt giảm nên đã nhanh chóng nghĩ tới việc tìm kiếm nhóm khách mới.
Sau khi nắm bắt thông tin về việc khách Hàn Quốc quan tâm đến Phú Quốc, ông đã làm việc với các KOLs (người có tầm ảnh hưởng) và doanh nghiệp lữ hành Hàn Quốc để truyền thông và đưa khách tới nhà hàng của mình. Trong dịp cuối năm, nhà hàng này sẽ đón thêm hàng nghìn lượt khách từ xứ kim chi, đảm bảo kinh doanh “ấm no”.
Trong năm 2024, theo dự báo từ Hội Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc, “đảo ngọc” có thể vẫn trải qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, nếu tình hình vé máy bay sớm ổn định, Phú Quốc có thể phục hồi được thị trường du lịch nội địa, đặc biệt là khách đoàn, MICE (du lịch hội họp).
Về thị trường quốc tế, Hội đánh giá thị trường châu Âu, Trung Quốc chưa có dấu hiệu khởi sắc trong năm nay. Do đó, các doanh nghiệp nên tập trung vào nhóm khách từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc) và Hong Kong (Trung Quốc).
Theo: Vnexpress