Nhân sự du lịch Việt yếu – tác nhân khiến khách không quay lại: Ngành du lịch Việt thiếu nhân lực chất lượng cao, chuẩn quốc tế, tác động lớn đến sức cạnh tranh, khó thu hút khách quay lại lần hai, theo chuyên gia.
CEO AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt với gần 30 năm kinh nghiệm làm du lịch nhận xét lao động trong ngành hiện nay ”phần lớn bị chê”. Sinh viên du lịch ra trường đi làm với tâm thế “đi chơi nhiều, làm việc ở môi trường sang chảnh” mà không để tâm vào việc làm du lịch là phục vụ. Vì thế, lao động bước vào nghề không được bao lâu sẽ bỏ, làm trái nghề. Chỉ khoảng 10% những người học du lịch làm đúng nghề. Sau 10 năm khảo sát lại, 10% xuống còn 5%.
Phát biểu trong Hội thảo “Đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực du lịch chuẩn quốc tế trong giai đoạn hiện nay” chiều 12/4, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Phạm Văn Thủy cho biết so với các nước trong khu vực, lao động du lịch Việt được đánh giá chăm chỉ, thông minh, ham học hỏi. Tuy nhiên, chất lượng nhân sự du lịch Việt còn hạn chế, phần lớn chưa đạt yêu cầu, tác động lớn đến việc tạo ra sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cũng chỉ ra chất lượng, năng suất lao động trong ngành du lịch và khách sạn tại Việt Nam còn thấp. Năng suất lao động tại khách sạn ở Việt Nam chỉ bằng 1/15 so với Singapore, 1/10 so với Nhật Bản và 1/5 so với Malaysia.
Lao động ngành du lịch có nguy cơ bị cạnh tranh việc làm ngay tại Việt Nam bởi nhân lực từ các nước ASEAN như Thái Lan, Philippines và Malaysia. Phần lớn giám đốc điều hành hoặc nhân sự cấp cao của các khách sạn 5 sao ở Việt Nam đều là người nước ngoài.
“Chúng ta đang thua ngay trên sân nhà”, Chủ tịch Liên chi hội Đào tạo du lịch Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Đào Mạnh Hùng nói.
Khách nước ngoài ăn tối trên du thuyền tại vịnh Hạ Long cuối năm 2023. Ảnh: Lux Cruises
Ông Hùng chia sẻ trong chuyến công tác tới Cát Bà, Hải Phòng gần đây, ông được biết hầu hết nhân sự làm trong ngành khách sạn đều là người dân địa phương, chưa qua trường lớp đào tạo. Hiện trạng này khá phổ biến trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn trên toàn quốc.
“Chúng ta không thiếu lao động phổ thông mà là thiếu nhân sự chất lượng cao”, ông Hùng nói. Nếu lao động trong ngành du lịch Việt không có kỹ năng chuẩn quốc tế thì chỉ có thể hút khách quốc tế quay trở lại “không quá hai lần”.
Năm 2018, Cục Du lịch Quốc gia khảo sát hơn 27.000 người từ 12 cửa khẩu quốc tế trên cả nước, gần 60% khách đến Việt Nam lần đầu và hơn 40% số khách quay lại lần hai. Sau dịch, tỷ lệ khách quốc tế quay lại là 25-30%, theo thông tin Trưởng ban Thư ký Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) Hoàng Nhân Chính đưa ra trong một cuộc hội thảo vào tháng 4/2023. Trong khi đó tại Thái Lan, tỷ lệ khách quay lại chiếm hơn 70%.
Ông Đạt nói hiện nay có rất nhiều hướng dẫn viên chỉ “chăm chăm” dẫn khách đi shopping để chia lợi nhuận từ các cơ sở kinh doanh mà không đầu tư vào phục vụ, cung cấp các thông tin về điểm đến cho du khách. Các công ty du lịch mang khách về đã khó nhưng hướng dẫn viên không có tâm dẫn đoàn, khách sẽ không quay lại. Ông khẳng định hướng dẫn viên có tâm, trình độ chuyên môn tốt hiện nay “thu nhập rất cao”.
Để đón và phục vụ 17-18 triệu lượt khách quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa đặt ra trong năm nay, đòi hỏi các doanh nghiệp du lịch cần chuẩn bị đủ nguồn nhân lực. Các cơ sở đào tạo cũng cần có giải pháp để đáp ứng chất lượng nguồn nhân theo yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp, du khách.
Với sự phục hồi du lịch sau dịch, cuối năm 2023 cả nước có gần 4.000 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, tăng hơn 1.000 doanh nghiệp so với năm 2022. Sở du lịch các tỉnh, thành đã cấp mới hơn 10.000 thẻ hướng dẫn viên, đưa tổng số nhân sự trong lĩnh vực này trên cả nước lên hơn 37.000 người.
Mỗi năm có khoảng 20.000 sinh viên, học viên, trong đó chưa đến 10% là sinh viên đại học, cao đẳng chuyên nghiệp được cung ứng cho ngành du lịch. Tuy nhiên, chỉ khoảng 20-25% sinh viên ra trường gắn bó với nghề, theo tiến sĩ Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch Đại học KHXH&NV – ĐHQG Hà Nội. Thực tế khác ông Long chỉ ra là số lượng nhân sự được đào tạo đạt chuẩn “rơi rớt” nhiều sau dịch và tỷ lệ quay lại làm việc không cao, dù chưa có số liệu thống kê cụ thể. Những yếu tố trên góp phần khiến ngành du lịch Việt vừa thiếu vừa yếu về số lượng nhân sự đạt chuẩn quốc tế.
Phó cục trưởng Phạm Văn Thủy chỉ ra nguyên nhân là việc đào tạo và sử dụng thiếu đồng bộ, thiếu hệ thống và chưa đạt chuẩn quốc tế dẫn đến nguồn nhân lực du lịch được đào tạo ra bị lệch hướng. Doanh nghiệp tuyển dụng nhân lực tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng phải đào tạo lại theo tiêu chuẩn riêng của các đơn vị.
Nhân lực hiện nay không chỉ thông thạo ngoại ngữ mà còn phải sử dụng tốt công nghệ, các kỹ năng xây dựng sản phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng cao. Trong khi đó, nhiều sinh viên được đào tạo tại các khoa du lịch ra trường lại gặp phải nhiều vấn đề như thiếu kỹ năng giao tiếp với người nước ngoài, vốn ngoại ngữ kém hơn so với sinh viên các trường ngoại ngữ, theo PGS.TS Dương Đức Thắng, Trưởng khoa Du lịch Đại học Công nghệ Đông Á. Ông cho biết đào tạo theo phương thức truyền thống hiện không còn phù hợp với tiêu chuẩn, đòi hỏi ngày càng cao của ngành du lịch.
Ông Hùng cho rằng giải pháp đào tạo nhân sự du lịch cần kết hợp học đi đôi với thực hành, thay vì đến các cơ sở làm “lấy lệ” cho đủ điều kiện xin chữ ký xác nhận đã hoàn thành thời gian thực hành để thi tốt nghiệp.
Với doanh nghiệp, hai yếu tố để giúp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chính là sự bền bỉ và cách xử lý tình huống linh hoạt. Ông Đạt nói lễ tân trong các khách sạn 5 sao thường phải đứng suốt 7-8 tiếng, vừa nghe điện thoại vừa hỗ trợ hành khách làm thủ tục nhận, trả phòng. Việc đào tạo nếu không chú trọng yếu tố bền bỉ, tâm huyết với nghề sẽ khó có thể “trụ” được.
Ông cũng chia sẻ kinh nghiệm của Thái Lan, người làm du lịch ý thức được đây là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, phục vụ du khách vui vẻ sẽ đem lại nhiều lợi nhuận nhất. Do đó, Thái Lan rất ít xảy ra các vụ lừa đảo, “chặt chém” khách du lịch. Người dân luôn thân thiện, hòa đồng cho đến phút cuối khiến khách có cảm tình và muốn quay lại nhiều lần.
Theo: vnexpress