Lý do mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế của Việt Nam thất bại?

Lý do mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế của Việt Nam thất bại? Chính sách visa chưa mới, ít sản phẩm nổi bật, mức độ sẵn sàng chưa cao là các nguyên nhân khiến mục tiêu 5 triệu khách quốc tế thất bại, theo các chuyên gia.

Lý do mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế của Việt Nam thất bại?
Lý do mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế của Việt Nam thất bại?

Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong khu vực mở cửa du lịch (ngày 15/3) nhờ triển khai thành công chương trình vaccine Covid-19. Nhưng Việt Nam đã không tận dụng được lợi thế khi sau 11 tháng chỉ đón 2,7 triệu lượt khách, và hết năm dự kiến đón 3,5 triệu, thấp hơn so với chỉ tiêu 5 triệu đề ra hồi đầu năm. Trong khi đó, các quốc gia khác ở Đông Nam Á đều hoàn thành, thậm chí vượt mục tiêu. Việt Nam còn nằm trong nhóm chậm phục hồi du lịch quốc tế.

Lý do mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế của Việt Nam thất bại?

Theo các chuyên gia, việc không đạt mục tiêu chủ yếu tập trung vào ba nguyên nhân là chính sách visa chưa có thay đổi phù hợp thực tế, các sản phẩm du lịch chất lượng còn thiếu và sự sẵn sàng chưa tốt sau hai năm đại dịch.

Một trong những đoàn khách quốc tế thí điểm đầu tiên tới Việt Nam, tháng 11/2021, ở Đà Nẵng. Ảnh: VNA
Một trong những đoàn khách quốc tế thí điểm đầu tiên tới Việt Nam, tháng 11/2021, ở Đà Nẵng. Ảnh: VNA

Thủ tục visa không có sự thay đổi

Thủ tục visa đối với khách quốc tế còn bất cập (số quốc gia được miễn ít, thời gian ngắn) được xem là điểm nghẽn chính cản trở khách quốc tế đến Việt Nam so với khu vực.

Tháng 3 ngay sau khi Việt Nam mở cửa, Lux Group có nhóm khách đầu tiên tới Hạ Long. “Họ thuộc diện miễn visa 15 ngày ra vào một lần. Lịch trình của họ là đến Hạ Long, sau đó kết hợp tham quan Campuchia và quay về Việt Nam để nghỉ ở biển Vũng Tàu. Họ đã phải xin visa hai lần, thủ tục phức tạp, có lúc tưởng không thể chốt được”, ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, nói.

Ông Chris Farwell, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), cho hay một số khách phàn nàn việc xin visa thường bị yêu cầu phải có công ty bảo lãnh, qua đại lý cấp thị thực với phí 200-500 USD, trong khi phí chính thức 25 USD. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia không trong diện được xin visa điện tử, thời gian chờ đợi từ 30 ngày và trả tới 800 USD.

Hiện Việt Nam miễn visa cho 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, với thời gian đa phần 15 ngày, một số nước Đông Nam Á 30 ngày trong khi Thái Lan miễn cho 65 quốc gia, với thời gian 90 ngày. Nhiều quốc gia Đông Nam Á đã bắt đầu thực hiện chương trình “Thị thực vàng” kèm thời gian lưu trú đến 20 năm, nhiều quyền lợi để hút khách.

Ông Nguyễn Đức Chí, nguyên Phó trưởng phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch TP HCM, lấy dẫn chứng, Thái Lan đến giữa tháng 8 chỉ đón khoảng 3,7 triệu lượt khách quốc tế, bằng một phần ba mục tiêu. Sau đó, họ nhanh chóng có biện pháp tháo gỡ với sự phối hợp từ Bộ Du lịch và Thể thao cùng Tổng cục Du lịch bằng chiến lược miễn visa cho khách đến 45 ngày ra vào nhiều lần và kéo dài, thậm chí tới nhiều năm.

“Chúng ta chỉ cần cạnh tranh với Thái Lan. Họ miễn visa bao nhiêu nước, chúng ta miễn bấy nhiêu”, Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đình Thiên nêu ý kiến. Việt Nam có các thắng cảnh đẹp không thua kém gì các quốc gia khác trong khu vực. Nếu nới rộng hơn nữa chính sách thị thực, chắc chắn khách ngoại sẽ đến Việt Nam ngày một đông.

Mức độ sẵn sàng đón khách chưa cao

Một nguyên nhân khác nằm ở mức độ sẵn sàng đón khách quốc tế chưa tốt sau hơn hai năm đại dịch vì thiếu nguồn nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất xuống cấp…

“Hơn 90% các cơ sở dịch vụ du lịch gồm lữ hành, khách sạn, nhà hàng, vận chuyển hầu như phải bắt đầu lại từ đầu nên cần thời gian, nguồn vốn, nhân sự, xây dựng các mối liên kết”, ông Nguyễn Đức Chí cho biết. Du lịch nội địa hồi phục sớm là yếu tố thúc đẩy hồi phục du lịch, nhưng tiêu chí, chất lượng dịch vụ phục vụ khách quốc tế là một phạm vi khác, cần có nguồn khách thực tế dồi dào để làm quen thị trường và vực dậy.

Tiến sĩ kinh tế hàng không Lương Hoài Nam cũng có cùng quan điểm khi dẫn chứng du lịch nội địa có sự tăng trưởng mạnh, với hơn 100 triệu lượt khách, vượt xa mục tiêu 60 triệu. Nhưng du lịch quốc tế lại không như kỳ vọng. Lý do du lịch nội địa tăng trưởng mạnh vì không có rào cản và không có cạnh tranh. Trong khi đó, du lịch quốc tế phải đối mặt với cả hai vấn đề trên mà Việt Nam không có giải pháp.

Các giải pháp hút khách của ngành du lịch chưa đồng bộ, chưa phối hợp chặt chẽ với các ngành khác. “Nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch được bàn nhiều tại các hội nghị nhưng vắng các ngành liên quan như ngoại giao, công an, tài chính… Mục tiêu đón 5 triệu lượt khách chưa được xây dựng trên cơ sở vững chắc, kèm chiến lược và hành động. Ngành du lịch Việt Nam cũng chưa chủ động, linh hoạt và chưa phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan”, ông Chí chia sẻ. Ông cũng cho rằng chính điều này khiến các đề xuất đi đường vòng mới đến các cơ quan liên quan và phản hồi lâu.

Việt Nam đã mở cửa du lịch từ 15/3 nhưng thị trường vẫn còn đang ở giai đoạn phục hồi. Một số thị trường chủ lực như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Nga… chiếm hơn một nửa lượng khách quốc tế trước dịch đến hết quý 3 vẫn chưa mở cửa hoàn toàn. Một số thị trường tiềm năng được kỳ vọng như Ấn Độ để thay thế còn quá mới và có nhiều hạn chế cần được đánh giá kỹ với du lịch Việt Nam.

Các chương trình xúc tiến mới thiếu và yếu

Hành vi của du khách đã thay đổi so với trước Covid-19. Vì thế, công tác quảng bá tiếp thị, xây dựng sản phẩm du lịch, thông điệp hút khách… cần phải thiết kế lại từ đầu.

“Trong giai đoạn hiện nay khách quốc tế có xu hướng đi du lịch theo từng nhóm nhỏ, chú trọng môi trường sinh thái, bảo đảm sức khỏe. Các đoàn khách tham gia tour hội nghị khách hàng MICE đòi hỏi điểm đến có hạ tầng tốt và dịch vụ chuyên nghiệp. Các hãng lữ hành đón khách quốc tế không thể áp dụng các biện pháp thu hút trước đây. Chúng tôi gần như đang phải ‘xóa bàn cờ’ làm lại”, ông Hà nói.

Cùng quan điểm du lịch Việt Nam không có các sản phẩm độc đáo, ông Nguyễn Ngọc Bích, CEO Công ty Du lịch Mekong Rustic, cho hay hiện các điểm du lịch chỉ đang tập trung vào xây khách sạn, chưa để ý đến xây dựng các sản phẩm mới lạ. Các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội chưa có sản phẩm du lịch đô thị tốt, hút khách. Du khách thích đến Hà Nội và TP HCM, nhưng chủ yếu vẫn chỉ đi tham quan các địa điểm du lịch có sẵn.

Ngoài ra, cũng đã đến lúc thay đổi thông điệp truyền thông đến với bạn bè quốc tế, phù hợp hơn với xu thế mới. “Việt Nam cần xúc tiến các thị trường tiềm năng với thông điệp mới mẻ hơn. Ví dụ ‘Việt Nam nhiều trải nghiệm’ thay vì khẩu hiệu ‘Việt Nam – vẻ đẹp bất tận’ như trước đây”, ông Trần Lê Bảo Châu, Chủ tịch Diễn đàn doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ Việt Nam (VTF), nói.

Du lịch đang vào mùa cao điểm khách quốc tế và hồi phục mạnh mẽ của thị trường nội địa. Nhiều chuyên gia và nhà quản lý du lịch cho rằng không nên quá quan trọng việc hoàn thành con số mà cần tìm ra nguyên nhân để từ đó xây dựng kế hoạch cho năm mới, kiến nghị giải pháp trình Chính phủ nhằm giúp ngành du lịch tỏa sáng trong năm 2023.

Ông Kenneth Atkinson, Phó chủ tịch TAB, cho rằng điều quan trọng nhất là Việt Nam cần mở rộng các quốc gia được miễn thị thực, nhất là với thị trường tiềm năng như châu Âu, Australia, New Zealand, Canada, tăng thời hạn lưu trú lên 45 ngày và mở rộng cấp thị thực điện tử.

“Thay vì chỉ tập trung vào hoàn thành con số, chúng ta nên làm sao để khách chi tiêu nhiều hơn, ở dài ngày hơn, khiến họ cảm thấy vui sau chuyến đi, muốn quay lại hay giới thiệu cho bạn bè, người thân về Việt Nam. Năm 2023, ngành du lịch cần đưa ra nhiều chiến lược hút khách như nới lỏng quy định visa, quảng bá điểm đến với bạn bè quốc tế, quản lý tốt các điểm du lịch để tạo hình ảnh đẹp về Việt Nam”, ông Phạm Hà nói thêm.

Theo: vnexpress

Bài viết liên quan